Tin tức

Gian lận xuất xứ là cá biệt nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam
(HQ Online) - Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam.
 

 

Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi. Xung quanh vấn đề này, bên lề Hội thảo Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại-Bộ Công Thương Chu Thắng Trung (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí về các mặt trái của gian lận xuất xứ đến xuất khẩu của Việt Nam cũng như giải pháp mà các cơ quan chức năng đã và đang triển khai.

Xin ông cho biết, hiện nay các bộ, cơ quan liên quan đã và đang triển khai các biện pháp như thế nào để phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa?

Trong kim ngạch XK 260 tỷ USD của Việt Nam ra thế giới hàng năm, các hành vi gian lận xuất xứ chỉ là các hành vi cá biệt của một số DN vì lợi ích nhất thời ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính Việt Nam, cũng như nền kinh tế Việt Nam. 

Nhận thức được việc đó, Chính phủ có Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại”. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Công Thương, Bộ Tài  chính và các bộ, cơ quan có liên quan đang tích cực có các hoạt đông phối hợp, bao gồm rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về xuất xứ để thắt chặt hơn việc kiểm tra, giám sát hành vi gian lận; cũng như tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về xuất xứ trong thực tế; phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát. Các hoạt động này đã được các cơ quan chức năng nước ngoài đánh giá rất cao, đặc biệt là sự chủ động phối hợp của Việt Nam trong vấn đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Với kế hoạch như vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng giao.

Mặc dù các bộ đều có những văn bản quản lý liên quan đến xuất xứ hàng hóa theo chức năng nhiệm vụ, tuy nhiên thời gian quan, các vụ việc vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa liên tiếp bị phát hiện. Điều này có phải do có sự lỏng lẻo trong chính sách và để bịt kẽ hở trong vấn đề này cần có giải pháp như thế nào?

Hành vi gian lận xuất xứ chỉ xuất phát khi có lợi ích cho DN đủ lớn để dẫn đến DN có hành vi gian lận. Lợi ích này đến từ việc chênh lệch thuế suất. Chênh lệch thuế có thể đến từ các FTA; hay từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước áp với nước thứ 3. Tuy nhiên, trước đây những hành vi gian lận xuất xứ rất hiếm xảy ra. Nhưng hiện nay xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp tục diễn biến phức tạp thì vấn đề gian lận xuất xứ là một trong những vấn đề nổi cộm.

Ngoài yếu tố chênh lệch mức thuế suất còn có yếu tố cơ chế quản lý hàng hoá XNK mỗi nước khác nhau. Ví dụ Hoa Kỳ cho phép cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, tức là đôi lúc hàng hoá XK không cần có C/O để XK sang Hoa Kỳ, mà thay vào đó doanh nghiệp NK sang Hoa Kỳ phải tự chịu trách nhiệm về việc khai báo đó. Đối với trường hợp này thì dù chúng ta có thắt chặt công tác quản lý xuất xứ hàng hóa thì việc XK sang Hoa Kỳ theo cơ chế đó vẫn có những kẽ hở.

Chính vì vậy, để ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần phối hợp với các cơ quan chức năng của nước NK để có sự chia sẻ thông tin, phối hợp, tăng cường năng lực cho hai bên để phát hiện những hành vi vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

N.Linh (ghi)

Tin liên quan