Tin tức

Chống gian lận xuất xứ là yếu tố sống còn của hoạt động kinh tế
 Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng (ảnh) cho rằng, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, việc chống gian lận xuất xứ hàng hoá, chống lẩn tránh thuế đang là yếu tố sống còn của hoạt động kinh tế. Muốn “cuộc chiến” này đạt hiệu quả tốt nhất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn của các bộ, ngành, DN từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt cần xử lý “mạnh tay” với các đối tượng vi phạm.


 
 

Ông đánh giá như thế nào về mức độ gian lận xuất xứ hàng hoá hiện nay, đặc biệt là hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ hàng Việt để XK đi các thị trường?

Trước hết phải nói rằng, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại ngày nay, quy tắc xuất xứ, chứng nhận xuất xứ, việc xác định xuất xứ hàng hoá trở nên đặc biệt quan trọng với sản phẩm XK của Việt Nam. Khi có được xuất xứ Việt Nam theo các tiêu chuẩn của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác nhau ở thị trường khác nhau, hàng Việt mới được miễn, giảm thuế, hưởng lợi ích các bên dành cho nhau trong các FTA.

Tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá đã được cảnh báo từ lâu. Việc Trung Quốc tìm mọi cách để hàng Trung Quốc "núp bóng" hàng Việt trốn đánh thuế của Mỹ cũng đã xảy ra. Thậm chí có những trường hợp phát hiện ra hàng hóa Trung Quốc về đến cửa khẩu đã ghi sẵn trên bao bì là "Made in Vietnam". Điều này chúng ta đã lường trước. Cơ quan quản lý nhà nước đã "ra tay" nhưng dường như một vài DN vẫn cố tình vì lợi ích trước mắt, tiếp tay cho Trung Quốc.

Để xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ, dẫn tới nguy cơ hàng Việt XK bị điều tra lẩn tránh thuế sẽ gây thiệt hại to lớn cho Việt Nam. Với riêng trường hợp thị trường Mỹ, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng diễn ra trên quy mô lớn, hàng hóa Trung Quốc ứ lại, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để tiêu thụ, nguy cơ ngày càng lớn.

Tiêu thụ có nhiều cách như XK sang Việt Nam, tiêu thụ tại Việt Nam. Nếu Việt Nam có nhu cầu và hàng Trung Quốc đủ sức cạnh tranh với hàng nội địa thì có thể NK. Tuy nhiên, nếu hàng Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt để XK, nhất là xuất Mỹ thì là hành động gian dối không chấp nhận được, cần hết sức cảnh giác.

Theo ông, đâu là nguyên nhân mấu chốt khiến cho nguy cơ, mức độ gian lận xuất xứ hàng hoá, đặc biệt là hàng Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt XK ngày càng gia tăng?

Thủ đoạn trong thương mại của các nhà buôn Trung Quốc rất nhiều. Hiện nay với sức ép hàng hóa ứ lại khi bị Mỹ đánh thuế, phía Trung Quốc tìm mọi cách, mọi phương thức, thủ đoạn để thực hiện tuồn hàng sang thị trường khác tiêu thụ. Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng, việc cảnh giác, dựng lên các hàng rào ngăn chặn từ phía Việt Nam vẫn chưa kịp thời, chưa đủ mạnh. Cần rút kinh nghiệm ngay vì nếu hàng Việt XK bị đánh thuế chống lẩn tránh, tiến tới hàng XK có thể bị đưa vào danh sách áp dụng các biện pháp PVTM tương tự như áp với Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Điều này cần sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ để có sự đồng lòng của cơ quan quản lý cũng như các địa phương, đặc biệt là đối với cơ quan Hải quan.

Bên cạnh câu chuyện hàng hoá Trung Quốc tuồn vào Việt Nam, gian lận xuất xứ rồi XK sang thị trường khác, hiện nay còn nổi lên tình trạng “núp bóng” đầu tư để lấy C/O từ Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức “núp bóng” đầu tư này còn gây ra lo ngại và nguy hiểm dài lâu hơn. Quan điểm của ông ra sao?

Với hình thức “núp bóng” đầu tư, Luật Đầu tư đã có những quy định để ngăn chặn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách “núp bóng” đầu tư nhằm tận dụng xuất xứ hàng hoá Việt Nam để hưởng lợi khi XK sang các thị trường mà Việt Nam có FTA. Tôi cho rằng, hình thức này khá đáng lo bởi nó mang tính ổn định, dài lâu hơn. Thực tế này đòi hỏi sự tỉnh táo, cẩn trọng trong chiến lược thu hút FDI, phân biệt được các loại đầu tư để không bị ăn "quả đắng".

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, câu chuyện về đầu tư rất quan trọng. Mới đây, Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA). Bên cạnh đó, Việt Nam và EU còn ký kết riêng một hiệp định liên quan đến đầu tư. Có nhiều lý do để làm điều đó, trong đó có yếu tố nhằm ngăn chặn “núp bóng” đầu tư để hưởng lợi ích do những FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Để giải quyết “bài toán” về chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, mới đây Thủ tướng đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”. Theo ông, trong khâu triển khai Đề án cần phải nhấn vào những yếu tố như thế nào để đem lại hiệu quả cao?

Chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế là yếu tố sống còn của hoạt động kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Liên quan đến đề án của Thủ tướng, tôi cho rằng việc triển khai chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết tâm, cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động XNK, đặc biệt là liên quan đến vấn đề xuất xứ. Do đó, cần có thái độ kiên quyết, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, trừng trị nghiêm khắc với cả cơ quan quan lý nhà nước, DN, cá nhân có hành động tiếp tay cho hàng Trung Quốc hoặc hàng hoá của bất cứ quốc gia nào gian lận xuất xứ, “núp bóng” hàng Việt.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nguyễn (thực hiện)

 

Tin liên quan